Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Mẹo viết CV khi xin việc Kế toán

Mẹo viết CV (Curriculum Vitae) giành cho sinh viên mới tốt nghiệp

Để hỗ trợ các bạn trên con đường lập nghiệp, Đào tạo Kế toán Kimi xin chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm quí báu trong cách viết CV. Chúc các bạn tìm được công việc yêu thích và xứng đáng!

Tận dụng phần giới thiệu bản thân:

Trong phần tự thuật bản thân khoảng 3 đến 4 dòng ngay phần mở đầu CV, ai cũng giới thiệu mình là một người nhiệt huyết và tận tụy. Bởi vậy, thay vào đó hãy tận dụng không gian này để vạch ra những điều mà bạn muốn làm và vì sao bạn lại làm như vậy trong mục tóm tắt nghề nghiệp. Điều này sẽ làm cho CV của bạn thật sự khác biệt và giúp bạn thể hiện rõ những điểm chính mà bản thân muốn làm. Và những điểm chính này cũng là điều mà các tuyển dụng quan tâm vì có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển mà thí sinh không biết mình phải làm gì.
Sau đây là một bản giới thiệu bản thân thông thường hay gặp: “ Tôi là người tự tin, nhiệt tình và rất chăm chỉ. Tôi có trách nhiệm với công việc với vẻ ngoài chững chạc và có nhiều kỹ năng giao tiếp thành thạo. Tôi thích gặp gỡ giao lưu với mọi người. Tôi thích làm việc nhóm, tận tụy, sáng tạo và học hỏi những kỹ năng mới”. Đây chỉ là một tập hợp những tính từ miêu tả dành cho bất cứ công việc nào, mà không có một điểm nhấn thật sự nào làm nổi bật CV của bạn.

Tuy nhiên, cũng với thông tin đó nhưng ta có thể viết hay hơn rất nhiều như sau: “ Mục tiêu nghề nghiệp: Tôi muốn tập trung phát triển thành công kỹ năng bán hàng và marketing tại (tên công ty). Tôi chủ trương tìm kiếm và phát hiện những kinh nghiệm làm việc trong một môi trường mà tôi biết rằng đầy thách thức với nhịp độ nhanh chóng và dựa trên thành quả công việc thu được. Tôi có khả năng thiết lập quan hệ nhanh chóng, kiên trì và khao khát thành công trong công việc.”

(Theo Lucy Cheatham, Giám đốc Marketing Grad Central – chuyên gia tuyển dụng tại West Midlnads).

Từ khóa CV dễ tìm kiếm:
Sinh viên cũng cần chú ý cách các doanh nghiệp và chuyên gia tuyển dụng tìm kiếm CV qua hệ thống máy tính. Nhờ sự phổ biến rộng rãi của hệ thống dữ liệu và từ khóa tìm kiếm, mà việc sinh viên tạo ra những CV dễ tìm kiếm là rất quan trọng. Do vậy cần có bước dự đoán những từ khóa mà các nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm trong CV. Các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm những từ khóa về phẩm chất của ứng cử viên, năng lực và kỹ năng chuyên môn phù hợp với vai trò và nghề nghiệp tuyển dụng.

Những từ khóa trong lĩnh vực chuyên môn bao gồm marketing trực tiếp, marketing truyền thông đại chúng, tìm kiếm phương tiện tối ưu hóa và chiến dịch quản lý. Những từ khóa về khả năng là: làm việc nhóm, khả năng giao tiếp và thương lượng.

(Theo Rowan Manahan , người sáng lập công ty Fortify Services chuyên tư vấn nghề nghiệp và là tác giả của The Ultimate CV)

Tạo lý do để nhà tuyển dụng muốn gặp bạn:
Sai lầm phổ biến của các sinh viên mới ra trường là CV dài dòng và không đưa ra lý do rõ ràng để các nhà tuyển dụng muốn gặp họ. Các bạn hãy đặt mình vào vị trí của một người phải đọc lướt qua CV của bạn giữa một chồng hàng trăm hồ sơ chồng chất. Có 3 thứ rất quan trọng mà người tuyển dụng đó muốn biết về bạn, những điều sẽ tạo nên sự khác biệt cho bạn và khiến họ nghĩ rằng bạn xứng đáng để họ gặp mặt. Hãy cân nhắc kỹ càng những điểm khác biệt đó, tương tự khi giới thiệu một sản phẩm trong marketing bao giờ cũng đưa ra điểm đặc sắc của sản phẩm ở ngay trước mặt và tại địa điểm dễ thấy nhất. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng rất nhiều và cũng tăng cơ hội giúp bạn lọt vào vòng trong.

Bởi vậy, từ kinh nghiệm làm việc/thực tập hay qua hoạt động ngoại khóa, hãy chứng minh khả năng hoàn thành công việc, sức sáng tạo và lãnh đạo tiềm ẩn, kỹ năng giao tiếp và thực hiện công việc một cách hiệu quả và trôi chảy của bản thân với mọi người.

(Theo Rob Cross, chuyên gia về phát triển tài năng và là tác giả của Mong đợi của Sinh viên mới tốt nghiệp: Hướng dẫn cần thiết cho tất cả sinh viên mới ra trường tìm việc)

Tập trung vào giá trị tạo ra, không phải vị trí công việc:

Sau khi đọc hàng trăm CV của sinh viên mới tốt nghiệp, tôi thấy một điều thú vị là rất nhiều người chỉ nói về những công việc mà họ đã làm được hơn là viết về những giá trị mà họ chuyển tải. Khi viết CV, điều họ quên mất là khi tôi là một chủ doanh nghiệp, tôi có khách hàng, các cổ đông, nhân viên và với mỗi đối tượng, tôi lại có những kỳ vọng riêng vào sự đầu tư và nỗ lực của họ.
Bởi vậy, điều cần thiết trở thành thành viên công ty chúng tôi là các bạn phải bổ sung những giá trị mới của bản thân mình. Với ý định đó, khi viết CV, bạn phải chứng minh được rằng sự sáng tạo của mình sẽ đem lại những giá trị thật sự. Ví dụ, một người chỉ chú ý vào vị trí công việc thì viết: “ Trưởng tiếp tân nhà hàng” trong khi một người có suy nghĩ lưu ý về giá trị sẽ viết là: “Số lượng đặt chỗ tăng hàng đêm và đáp ứng 20% nhu cầu khách hàng nhờ triển khai chương trình đào tạo mới khi là Trưởng tiếp tân nhà hàng”. Câu thứ 2 ngay lập tức thu hút sự chú ý của bạn, bạn muốn thuê họ bởi họ tạo ra sự khác biệt, họ bổ sung giá trị mới. Như vậy, giá trị sẽ là tiêu chí để tôi tuyển dụng.

(Theo Richard Freeborn, giám đốc tuyển dụng nhân viên mới tốt nghiệp ngân hàng quốc gia Santander)

Đầu tư thời gian vào đơn xin việc:
Lời khuyên tốt nhất của tôi chính là dành lượng thời lượng đáng kể cho đơn xin việc của các bạn. Mỗi ngày, tôi đều đọc những đơn xin việc được viết một các vội vã và các thí sinh chỉ đưa ra những câu trả lời gói gọn 100 từ. Một điều quan trọng là bạn phải phát triển câu trả lời của mình thật logic, chỉ rõ thời gian, công việc bạn đã làm và kết quả ra sao. Theo kết cấu trên bạn có thể trả lời theo ý chính một cách thống nhất và liên kết chặt chẽ.

(Theo Linda Buckham, giám đốc trung tâm nghề nghiệp và tuyển dụng, Đại học Sussex)

Hợp lý:

Sinh viên nên viết CV phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Hầu hết nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian đọc CV nên đừng đưa vào những thông tin không liên quan như tên đề tài luận văn nếu nó không phù hợp với công việc đó.
Thay vào đó, hãy miêu tả những thành công và kỹ năng mà bạn có được khi viết luận văn. Ví dụ: “ Để viết luận văn, tôi đã phân tích và diễn giải thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như internet và thư viện”. Tương tự, bạn cũng phải khéo léo khi trình bày kinh nghiệm bản thân. Nếu kinh nghiệm liên quan nhất của bạn cũng không phù hợp với công việc, hãy chia phần kinh nghiệm thành 2 mục: Công việc liên quan và kinh nghiệm bổ sung.

(Theo Jonathan Black, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm, Đại học Oxford)    

Nhà tuyển dụng muốn có ứng cử viên giàu tinh thần trách nhiệm và có nhiều thành tựu trong công việc:

Nên sử dụng những cụm từ như “ Tôi có trách nhiệm trong…” và “ Những kết quả tôi đạt được..”. Dù bạn không dùng chính xác những từ nêu trên, nó cũng sẽ giúp bạn tránh những lời miêu tả như “ Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức dạ hội sinh viên”. Thay vào đó, dù ít hay nhiều, bạn hãy miêu tả công việc cụ thể mà bạn phụ trách là gì và bạn thu được kết quả gì.
Ví dụ: “ Là người phụ trách phần âm nhạc, tôi đã thu xếp cho 4 ban nhạc chuyên nghiệp biểu diễn tại dạ hội sinh viên”. Đừng lo lắng về công việc mà bạn miêu tả, các nhà tuyển dụng sẽ không quá chú tâm đó là tổ chức liên hoan bia rượu, câu lạc bộ bóng bầu dục, nhà thờ hay ban nhạc, miễn là bạn chứng tỏ mình đã thu hoạch được gì. Và cũng đừng quá bận tâm vào số lượng đạt được, không phải ai cũng quyên góp được hàng trăm pounds cho trẻ em mồ côi ở Châu Phi nên chỉ với £50 quyên góp từ bạn bè cho nhà tế bần nơi bạn ở cũng là một điều tuyệt vời.

(Theo Ruth Wilcock, tư vấn nghề nghiệp, Trung tâm phát triển kỹ năng nghề nghiệp, London University)

Thư xin việc phù hợp với từng vị trí:

Trước khi nộp đơn cho một công việc cụ thể bạn cần chỉnh sửa lại đơn xin việc của mình. Các nhà tuyển dụng mong bạn ứng tuyển vào công việc mà họ đăng tuyển chứ không phải bất cứ công việc nào khác. Trước khi sửa lại CV hay viết thư xin việc bạn cần viết rõ tên người nhận, tìm kiếm vị trí và công ty bạn đăng ký dự tuyển. Bạn có kinh nghiệm gì trực tiếp liên quan những kỹ năng và kinh nghiệm mà vị trí đặc biệt yêu cầu? Điều này rất quan trọng vì nó sẽ làm nổi bật đơn xin việc của bạn.

Không nên e ngại việc thường xuyên thay đổi CV với từng công việc mà bạn ứng tuyển. Bạn nên để một mục kinh nghiệm/ công việc tương ứng tại trang đầu CV do vậy nhà tuyển dụng dễ dàng nhận thấy bạn đã thật sự đầu tư vào vị trí nộp đơn và bạn có những kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến công việc. Đối với những kinh nghiệm gián tiếp liên quan, hãy nhấn mạnh tới những kỹ năng phù hợp và các hoạt động đã tham gia.

Mục trình độ học vấn/chứng chỉ cũng cần thay đổi. Trong mục này không chỉ đơn thuần liệt kê ra những khóa học, trường lớp hay bằng cấp mà bạn đã tham gia. Bạn cần đi sâu vào chi tiết hơn như bài tập khóa học, dự án khi làm nhóm hay nghiên cứu chuyên sâu (luận văn). Nếu chúng phù hợp và kết quả bạn thu được là xuất sắc thì nên liệt kê chúng một cách chính xác dưới mục trình độ học vấn của CV. Điều này không chỉ chứng tỏ học vấn của bạn phù hợp với công việc mà bạn cũng đã thành công khi chuyển tải những kỹ năng quan trọng tới nhà tuyển dụng.

Nguồn: Bridgeblue.edu.vn
Dịch bởi Ketoan.Org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét