Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Nhập siêu tháng 8 tăng đột biến

Trạng thái hứng khởi của xuất khẩu trong tháng 7 đã không còn ở tháng 8 này. Nhập siêu trở lại rất nhanh cùng với nhập khẩu tăng đột biến. Cùng với vàng và dầu thô tiếp tục ở thế bất lợi, tháng 8 gần như là sự đảo ngược của tháng 7.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2011 đã lùi về mức 8,3 tỷ USD, giảm mạnh tới hơn 1 tỷ USD so với tháng kỷ lục đạt được trước đó. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu bất ngờ tăng thêm khoảng 900 triệu USD để chạm mốc 9,1 tỷ USD, một mức cao mới từ trước đến nay. 

Trạng thái ngoại thương đi cùng sự đổi ngôi của xuất nhập khẩu cũng nhanh chóng đảo chiều. Từ mức xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng trước, đến tháng này Việt Nam trở lại nhập siêu khoảng 800 triệu USD. 

Nhìn vào xu hướng ngoại thương các năm trước, kim ngạch xuất nhập khẩu thường chỉ tăng cao nhất vào khoảng quý 4. Nhưng năm nay, với những cú ngoặt gãy góc ở các con số kim ngạch kỷ lục vừa nêu, dường như câu chuyện đã khác.

Nhìn rộng hơn, trong khi nền kinh tế toàn cầu liên tục phát đi dấu hiệu bất ổn với tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh và lạm phát tăng cao thì ngoại thương Việt Nam dường như chịu tác động không nhiều lắm, thể hiện trên con số kim ngạch liên tục đạt những đỉnh cao mới.

Nhưng điều này có nguyên nhân của nó. Nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các nhóm vẫn giữ được mức tăng là nông sản, kim loại, khoáng sản, hàng tiêu dùng thiết yếu giá rẻ và sản phẩm gia công. Đây đều là những nhóm hàng không chịu tác động lớn từ khủng hoảng, thậm chí có cơ hội tăng giá do khả năng đầu cơ giá trị.

Phía nhập khẩu, Việt Nam nhập về chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất, trang thiết bị, phương tiện và linh kiện gia công…, là những mặt hàng không thể không nhập. 

Với đà tăng giá của nhiều nhóm sản phẩm xuất và nhập khẩu kéo dài nhiều tháng qua, Việt Nam dường như đang bị cuốn theo mặt bằng giá thế giới. 

Ước tính, trong khoảng 15,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng thêm so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm nay, riêng yếu tố giá đóng góp khoảng 4,45 tỷ USD. Với nhập khẩu, các con số tương ứng là 14,1 tỷ USD và 5,83 tỷ USD (không tính ôtô và xe máy).

Như vậy, phải chăng Việt Nam đang chịu thiệt hơn khi xuất khẩu không được lợi về giá bằng khoản phải chi thêm do tăng giá nhập khẩu?

Trở lại với diễn biến kim ngạch tháng này, đóng góp gần như toàn bộ vào thay đổi chóng mặt của kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng gần đây, các nhân tố vàng và dầu thô cũng đảo ngược trạng thái từ tăng sang giảm, đặc biệt là vàng. 

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm chỉ còn đạt khoảng 200 triệu USD trong tháng 8, bằng khoảng 18% tháng trước. Nhưng, điểm đáng chú ý là so với số liệu của hải quan, gần như toàn bộ kim ngạch thể hiện trong nửa đầu tháng, khi mà giá vàng thế giới còn chưa đạt đỉnh.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết thêm, trong tháng này, phía đầu nhập khẩu cũng cho con số ước tính khoảng 200 triệu USD. Nhưng, khác biệt là hơn một nửa con số kể trên được thể hiện trong giai đoạn cuối tháng, khi giá vàng liên tục khuynh đảo các kỷ lục giá mới.

Chưa thể xác định Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào trong giai đoạn giá vàng biến động lớn vừa qua. Tính đến thời điểm này, ước tính Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,52 tỷ USD kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, chủ yếu ở giai đoạn giá thấp; nhập khẩu khoảng 650 triệu USD.

Với dầu thô, kim ngạch xuất khẩu tháng này cũng đã giảm so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong tháng 8 Việt Nam xuất khẩu khoảng 900 nghìn tấn dầu thô, đem về 750 triệu USD, giảm nhẹ về lượng nhưng giá trị đã hụt đi gần 100 triệu USD.

So sánh với mức giá bình quân trong 7 tháng đầu năm, riêng với lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 8/2011, Việt Nam “thiệt” khoảng 44 triệu USD do giá giảm.

Ở một diễn biến liên quan khác, giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 8 tháng năm 2011 đã tăng khoảng 46,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chốt lại ở tháng này, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 60,8 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu tương ứng là trên 67 tỷ USD và tăng 25,4%. 

Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu tổng cộng khoảng 6,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2011, bằng 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cùng thời kỳ.


Theo Vneconomy

Ghi nhận Tài sản cố định?


Câu hỏi 553:  Công ty tôi mua nhà rồi sau đó sửa chữa để làm trụ sở làm việc (tự mua vật tư, thuê thợ...). Sau khi hoàn thành thì khoản sửa chữa này ghi nhận là TSCĐ đúng không? Việc xác định giá trị của TSCĐ này là do DN tự xác định dựa trên hóa đơn chứng từ hợp pháp (Hóa đơn mua vật tư...) hay cần có 1 cơ quan độc lập xác định?

Trả lời:
Đoạn 24, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 – Tài sản cố định hữu hình ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định: “Các chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ hữu hình được ghi tăng nguyên giá của tài sản nếu chúng thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản đó, như:

(a)      Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng…”

Đoạn 25, chuẩn mực trên cũng quy định “Chi phí về sửa chữa và bảo dưỡng TSCĐ hữu hình nhằm mục đích khôi phục hoặc duy trì khả năng đem lại lợi ích kinh tế của tài sản theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ”

Theo Thông tư 203/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng va trích khấu hao tài sản cố định, Điều 7. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định thì
1Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ;
2. Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá TSCĐ mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm”

Trong trường hợp của công ty bạn mua nhà rồi sửa chữa để làm trụ sở làm việc, nếu việc sửa chữa không làm nâng cấp nhà, không thực sự cải thiện trạng thái hiện tại so với trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của tài sản, không thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng thì toàn bộ chi phí liên quan đến việc sửa chữa này được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm. Chi phí sửa chữa này được tập hợp dựa vào chứng từ của các khoản chi phí phát sinh tại Công ty bạn như: hóa đơn mua vật tư, hợp đồng thuê thợ…

Việc sửa chữa nhà nếu làm nâng cấp nhà (ví dụ nâng cấp từ nhà 1 tầng thành nhà 2 tầng) thì toàn bộ chi phí chi ra để đầu tư nâng cấp nhà được ghi nhận tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc. Giá trị tăng nguyên giá TSCĐ cũng được tập hợp dựa vào chứng từ của các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc đầu tư nâng cấp nhà tại Công ty bạn.


Theo vacpa.org.vn

Chính thức miễn thuế cho người thu nhập dưới 9 triệu đồng

Bộ Tài chính vừa cụ thể hóa Nghị quyết 08 của Quốc hội về việc miễn giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp từ 1/8 đến 31/12/2011 bằng công văn 10790.
Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), các đối tượng hưởng lương và cá nhân kinh doanh có thu nhập tính thuế nằm trong bậc 1 của biểu thuế sẽ được miễn thuế đến cuối năm, áp dụng từ 1/8.
Như vậy, những người có thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng sẽ không bị tính thuế. Với những cá nhân có người phụ thuộc thì mức thu nhập trong diện được miễn sẽ tính theo đúng cách tính hiện tại: thêm 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục thuế các địa phương thông báo cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân về việc không khấu trừ thuế TNCN đối với các trường hợp chi trả cổ tức cho cá nhân từ ngày 1/8 (không tính cổ tức do các Ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng chi trả cho cá nhân).
Đối với giao dịch chứng khoán trên sàn, mức khấu trừ từ nay đến cuối năm sẽ là 0,05%, giảm một nửa so với mức 0,1% trước đây.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh vận động, tuyên truyền tới các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhà trọ, hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca cho công nhân, người lao động, sinh viên… thực hiện việc giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, suất ăn ca, trông giữ trẻ như với mức giá cuối năm 2010. Đây là các đối tượng được giảm 50% mức thuế khoán kể từ ngày 1/8/2011 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với những trường hợp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Trước đó, ngày 6/8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân từ tháng 8 đến hết tháng 12/2011. Theo ước tính, số thuế được giảm theo Nghị quyết này là trên 13.000 tỷ đồng.
Theo Dantri.com.vn

Trích khấu hao tài sản cố định như thế nào


Nay tôi có một số vấn đề cần nhờ sự tư vấn:
1/ Doanh nghiệp có những tài sản cố định ,có hóa đơn chứng từ về các tài sản này hợp lệ và đầy đủ ,trong năm 2010 đơn vị có tiến hành trích khấu hao các tài sản cố định này để đưa vào chi phí .Vừa qua đơn vị được cơ quan thuế tiến hành kiểm tra quyết toán tại đơn vị có phát sinh trường hợp về chi phí trích khấu hao tại đơn vị ,cụ thể là do tình hình thực tế tại đơn vị ,nên kế toán đơn vị có trích khấu hao các tài sản cố định này theo mức khấu hao có thời gian sử dụng thấp hơn với mức trích khấu hao do cơ quan thuế đưa ra ,vì vậy có dẫn đến phát sinh chênh lệch về khoản chi phí được tính trong năm 2010.
-Nếu trong trường hợp kế toán đơn vị không xác định được thời gian khấu hao đúng như cơ quan thuế áp dụng, thì sau khi cơ quan thuế làm việc điều chỉnh giảm khoản chi phí khấu hao này theo đúng luật thuế TNDN , kế toán đơn vị có được ghi nhận khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này vào “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại”hay không ? (khoản mục chênh lệch này theo thông tư 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài Chính ,hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kế toán,là khoản mục chênh lệch tạm thời) hay DN bị truy thu thuế TNDN do xuất toán khoản chi phí chênh lệch tạm thời này hay không ?
2/ DN hoạt động sản xuất gạch Tuynel (vật liệu xây dựng ) có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 20/04/2008 ,tại địa bàn Huyện Hàm Tân ,tỉnh Bình Thuận ,như vậy DN có được áp dụng ưu đãi đầu tư theo thông tư 130 /2008/TT-BTC hay không ? -Nếu trong trường hợp DN được hưởng ưu đãi đầu tư ,vì kết quả kinh doanh lỗ nên DN không áp dụng ưu đãi đầu tư được hưởng ,nhưng sau khi cơ quan thuế kiểm tra xác định là có lãi thì DN có được áp dụng hưởng ưu đãi đầu tư hay không ?
Trả lời:
1) – Theo hướng dẫn tại thông tư 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 về Hướng dẫn thực hiện 06 chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì trường hợp doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo khung thời gian thấp hơn khung thời gian được cơ quan thuế chấp thuận (tương tự như trường hợp doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu hao nhanh cho TSCĐ) sẽ phát sinh khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ và khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này được sử dụng làm căn cứ xác định tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại. Có nghĩa là doanh nghiệp vẫn tạm thời tính và nộp thuế TNDN theo khoản chi phí khấu hao được trừ áp dụng khung thời gian được cơ quan thuế chấp thuận, khoản chênh lệch giữa khoản chi phí thuế TNDN tính theo doanh nghiệp và chi phí thuế TNDN tính theo cơ quan thuế chấp thuận được ghi nhận vào tài sản thuế thu nhâp doanh nghiệp hoãn lại. Do vậy, doanh nghiệp không thể bị truy thu thuế TNDN do đã tính và ghi nhận thuế TNDN phải nộp theo đúng quy định.
Bạn có thể nghiên cứu kỹ hơn thông tư nêu trên để có thể hiểu rõ về trường hợp này.
2) – Điểm 4, Phần I – Tổ chức thực hiện tại thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 về Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định như sau:
“4. Doanh nghiệp thuộc diện hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp mà đến hết kỳ tính thuế năm 2008 nếu:
4.1. Chưa có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.”
Như vậy, đối với trường hợp bạn nêu, doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 20/04/2008 nếu là doanh nghiệp thuộc diện hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp thì được áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điểm 4, Phần I của thông tư nêu trên.
Điểm 2.8, Mục I, Phần H – Ưu đãi thuế TNDN tại thông tư nêu trên quy định:
“2.8. Doanh nghiệp trong thời gian đang được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra kiểm tra phát hiện tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp của thời kỳ miễn thuế, giảm thuế  thì doanh nghiệp được hưởng miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Tuỳ theo lỗi của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra áp dụng các mức xử phạt  vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
- Doanh nghiệp đang trong thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế kiểm tra phát hiện số thuế thu nhập doanh nghiệp miễn thuế, giảm thuế theo quy định nhỏ hơn so với đơn vị tự kê khai thì doanh nghiệp chỉ được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo số thuế thu nhập doanh nghiệp do kiểm tra, thanh tra phát hiện. Tuỳ theo lỗi của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra áp dụng các mức xử phạt  vi phạm  pháp luật về thuế theo quy định.”
Như vậy đối với trường hợp doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư có kết quả kinh doanh kỳ báo cáo là lỗ, sau khi cơ quan thuế vào kiểm tra xác định là có lãi thì thì doanh nghiệp được áp dụng hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định. (Lập báo cáo Thuế)
Các trường hợp cụ thể khác về ưu đãi thuế TNDN cũng đã được nêu chi tiết tại thông tư trên.
Theo Vacpa.org.vn
Đăng bởi: Kế toán Kimi

Ký hiệu hóa đơn bị sai phải làm gì


Ký hiệu hóa đơn bị sai phải làm gì

Câu hỏi:
Công ty A có đặt in hóa đơn của công ty B theo hợp đồng số 01 ngày 29/12/2010 đến ngày 31/03/2011, công ty A nhận được hóa đơn và khi chuẩn bị kê khai thuế thì phát hiện biểu mẫu hóa đơn bị sai, cụ thể là: PS5/11P
Vậy công ty A phải lập thông báo hủy hóa đơn báo với cơ quan thuế như thế nào?

Trả lời:
Đơn vị thông báo với cơ quan thuế và phải phát hành loại hóa đơn thay thế, dừng các số hóa đơn để thông báo phát hành theo quy định tại điều 19 thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010:
“Điều 19. Xử lý hóa đơn trong các trường hợp không tiếp tục sử dụng
1. Tổ chức, hộ, cá nhân thông báo với cơ quan thuế hoá đơn không tiếp tục sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức, hộ, cá nhân được cơ quan thuế chấp thuận ngưng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế) phải dừng việc sử dụng các loại hóa đơn đã thông báo phát hành còn chưa sử dụng.
b) Tổ chức, hộ, cá nhân phát hành loại hóa đơn thay thế phải dừng sử dụng các số hóa đơn bị thay thế còn chưa sử dụng.
c) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế không tiếp tục sử dụng thì tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn phải tiến hành hủy hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 27 Thông tư này.
d) Hoá đơn mất, cháy, hỏng theo hướng dẫn tại Điều 22 Thông tư này.
2. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm thông báo hết giá trị sử dụng của các hóa đơn sau:
- Hoá đơn không tiếp tục sử dụng do tổ chức, hộ, cá nhân thông báo với cơ quan thuế thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này.
- Hóa đơn chưa lập mà tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh mà không thông báo với cơ quan thuế;
- Hóa đơn chưa lập của tổ chức, hộ, cá nhân tự ý ngừng kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế;
- Hóa đơn mua của cơ quan thuế mà tổ chức, hộ, cá nhân có hành vi cho, bán.”
Nguồn: Kế toán. org

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Tìm hiểu về kế toán tài sản cố định - Phần 1

Tìm hiểu về kế toán tài sản cố định - Phần 1

I. KHÁI NIỆM TÀI SẢN CỐ ĐỊNH (Kế toán)
- Theo chuẩn mực kế tóan số 03, 04 ban hành theo quyết định số 149/2001/QĐ-BTC, chuẩn mực số 06 ban hành theo quyết định số 165/2002/QĐ-BTC và quyết định 206/2003/QĐ-BTC thì tài sản cố định được phân lọai như sau:
• Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất (từng đơn vị tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản liên kết với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định) thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị…
• Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…
• Tài sản cố định thuê tài chính: là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
Mọi hợp đồng thuê tài sản cố định nếu không thoả mãn các quy định trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.
II. NGUYÊN TẮC GHI NHẬN NGUYÊN GIÁ TSCĐ
1. Tiêu chuẩn nhận biết và ghi nhận tài sản cố định
a. Tài sản cố định hữu hình
Tư liệu lao động là từng tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
(1). Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
(2). Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;
(3). Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;
(4). Có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
\Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
Đối với súc vật làm việc và/ hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.
Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.
b. Tài sản cố định vô hình
Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả bốn điều kiện quy định đối với tài sản cố định mà không hình thành tài sản cố định hữu hình thì được coi là tài sản cố định vô hình. Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả bốn tiêu chuẩn nêu trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn được bảy điều kiện sau:
(1). Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
(2). Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
(3). Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
(4). Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
(5). Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
(6). Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
(7). Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.
Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, lợi thế thương mại không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.
c. Tài sản cố định thuê tài chính
Là tài sản đáp ứng được các yêu cầu về ghi nhận tài sản cố định và phải thỏa mãn thêm các điều kiện: là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.
- Các trường hợp thuê tài sản dưới đây thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính :
a) Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê.
b) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê.
c) Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu.
d) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê.
e) Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.
- Hợp đồng thuê tài sản cũng được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu hợp đồng thoả mãn ít nhất một trong ba (3) trường hợp sau:
a) Nếu bên thuê huỷ hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc huỷ hợp đồng cho bên cho thuê;
b) Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;
c) Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường.
2. Xác định nguyên giá tài sản cố định
a. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình
TSCĐ hữu hình mua sắm: Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm bao gồm giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
TSCĐ hữu hình do đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức giao thầu: Đối với TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng theo phương thức giao thầu, nguyên giá là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng, các chi phí liên quan trực tiếp khác và lệ phí trước bạ (nếu có).
TSCĐ hữu hình mua trả chậm: Trường hợp TSCĐ hữu hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, nguyên giá TSCĐ đó được phản ánh theo giá mua trả ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình (vốn hoá) theo quy định của Chuẩn mực “Chi phí đi vay”.
TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự chế: Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá thành thực tế của TSCĐ tự xây dựng hoặc tự chế cộng (+) chi phí lắp đặt, chạy thử. Trường hợp doanh nghiệp dùng sản phẩm do mình sản xuất ra để chuyển thành TSCĐ thì nguyên giá là chi phí sản xuất sản phẩm đó cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Trong các trường hợp trên, mọi khoản lãi nội bộ không được tính vào nguyên giá của tài sản đó. Các chi phí không hợp lý như nguyên liệu, vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường trong quá trình tự xây dựng hoặc tự chế không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình.
TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi: Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về.
Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong cả hai trường hợp không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi. Ví dụ: việc trao đổi các TSCĐ hữu hình tương tự như trao đổi máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, các cơ sở dịch vụ hoặc TSCĐ hữu hình khác.

b. Nguyên giá tài sản cố định vô hình

- Nguyên giá TSCĐ vô hình mua riêng biệt, bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.
- Trường hợp TSCĐ vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, trả góp, nguyên giá của TSCĐ vô hình được phản ánh theo giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí SXKD theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”.
- TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi, thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị, nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có thời hạn: Là giá trị quyền sử dụng đất khi được giao đất hoặc số tiền phải trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác, hoặc giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn liên doanh.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình được Nhà nước cấp hoặc được tặng, biếu, được xác định theo giá trị hợp lý ban đầu cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.
c. Nguyên gía tài sản cố định thuê tài chính
- Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản. Nếu giá trị hợp lý của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu. Tỷ lệ chiết khấu để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản hoặc lãi suất ghi trong hợp đồng. Trường hợp không thể xác định được lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê thì sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê tài sản để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.
- Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính, như chi phí đàm phán ký hợp đồng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản đi thuê.
- Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài chính phải được chia ra thành chi phí tài chính và khoản phải trả nợ gốc. Chi phí tài chính phải được tính theo từng kỳ kế toán trong suốt thời hạn thuê theo tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư nợ còn lại cho mỗi kỳ kế toán.
Nguồn: Kế toán Kimi